Biểu hiện Đấu_tranh_sinh_tồn

Họa phẩm cảnh hai con hổ đang tấn công một con tê giác

Cạnh tranh sinh học hay cạnh tranh sinh thái hay cạnh tranh sinh tồn trong tự nhiên là sự tương tác giữa các sinh vật hoặc các loài với nhau (trong đó cả sinh vật hoặc loài bị tổn hại) để giành quyền tiếp cận ít nhất một nguồn tài nguyên sinh học (như thức ăn, nước và lãnh thổ). Sự cạnh tranh không phải lúc nào cũng đơn giản và có thể xảy ra theo cách trực tiếp và gián tiếp, từ đơn giản cho đến phức tạp. Theo nguyên tắc loại trừ cạnh tranh (đào thải sinh học), các loài không thích hợp để cạnh tranh cho các nguồn tài nguyên phải hoặc là thích nghi hoặc tuyệt diệt. Theo lý thuyết tiến hóa, những cuộc chạy đua cạnh tranh giữa các loài và các nguồn tài nguyên là quan trọng trong việc chọn lọc tự nhiên.

Cạnh tranh cùng loài hay cạnh tranh nội bộ (Intraspecific competition) là hiện tượng cạnh tranh sinh học giữa các cá thể hoặc nhóm cá thể trong cùng một loài xảy ra khi gặp điều kiện quá bất lợi như thiếu thức ăn, chỗ ở hoặc chiến đấu vì quyền duy trì nòi giống. Cạnh tranh cùng loài giúp duy trì ổn định số lượng cá thể của quần thể, cân bằng với sức chứa của môi trường. Điều kiện cạnh tranh cùng loài phát sinh khi môi trường đồng nhất và cạnh tranh cùng loài diễn ra khốc liệt thì các cá thể phân bố một cách đồng đều trong khu vực sống của quần thể, sự phân bố các cá thể cùng loài một cách đồng đều trong môi trường có ý nghĩa giảm sự cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể trong quần thể. Trong thế giới động vật, để tranh giành nơi sống, thức ăn hay bạn tình, các cá thể trong cùng một loài sẽ bất chấp mọi thủ đoạn, mọi cách thức.

Cạnh tranh khác loài hay còn gọi là cạnh tranh liên ngành (Interspecific competition) là một dạng cạnh tranh sinh học trong đó các cá thể, nhóm cá thể của các loài khác nhau cạnh tranh, giành giật với cùng một nguồn tài nguyên trong một hệ sinh thái như nguồn thức ăn hoặc lãnh thổ sinh tồn. Điều này có thể được tương phản với sự hỗ trợ hợp tác giao nhau chẳng hạn như quan hệ cộng sinh. Cạnh tranh giữa các thành viên của cùng một loài được gọi là cạnh tranh cùng loài (intraspecific). Sự cạnh tranh khác loài sẽ giảm sự trùng lặp ổ sinh thái vì nó sẽ dẫn tới phân ly ổ sinh thái, hốc sinh thái. Cạnh tranh chỉ là một trong nhiều yếu tố sinh học và phi sinh học tương tác ảnh hưởng đến cấu trúc cộng đồng sinh thái.

Cạnh tranh giành giật (Scramble competition) hay còn gọi là tranh giành đề cập đến một tình huống về mặt sinh thái học, trong đó một nguồn lực có thể đủ để dành cho tất cả các đối thủ cạnh tranh (nghĩa là, nó không bị độc chiếm). Tuy nhiên, vì sự hữu hạn chẳng hạn như nguồn thức ăn và nguồn nước thì sự tranh giành sẽ diễn ra có thể dẫn đến giảm tỷ lệ sống sót cho tất cả các đối thủ cạnh tranh nếu tài nguyên được sử dụng cho khả năng giành giật của nó. Cạnh tranh giành giật là cạnh tranh cho một nguồn lực không phù hợp với nhu cầu của tất cả, nhưng được phân chia ngang nhau giữa các ứng viên, vì vậy không có đối thủ nào đạt được điều mình cần và sẽ không có sự đấu đá trực tiếp với nhau nhưng chúng sẽ thi nhau tiếp cận và sử dụng các nguồn tài nguyên nhiều nhất có thể so với đối thủ của mình.